Tin tức Tin tức - Sự kiện

TRÍ TUỆ TẬP THỂ CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC MONG MUỐN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐH VIỆT NAM

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch HĐT, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội – phát biểu tại Tọa đàm

Ngày 4/8/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức buổi Tọa đàm khoa học về Chính sách đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tọa đàm nhằm tiếp nhận các ý kiến đa chiều, đánh giá thực trạng về chính sách giáo dục đại học (GD ĐH), đề xuất quan điểm, chính sách đột phá nhằm phát triển, nâng cao chất lượng GD ĐH, góp phần chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất Trung ương những chủ trương, đường lối, chính sách mới phát triển, nâng cao chất lượng GD ĐH sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (NQ 29).

Nội dung buổi tọa đàm được lồng ghép vào 1 trong 6 chuyên đề của Khóa học tập huấn cán bộ quản lý của Đại học Bách khoa Hà Nội.


PGS. Lê Huy Hoàng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương – phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, PGS. Lê Huy Hoàng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương  nhấn mạnh GD ĐH Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng sau 10 năm thực hiện NQ 29. Mạng lưới cơ sở GD ĐH không ngừng được mở rộng, công tác quản lý, quản trị ĐH có bước đổi mới, chất lượng GD ĐH từng bước được nâng lên, NCKH và phát triển công nghệ được quan tâm, thúc đẩy, một số cơ sở GD ĐH Việt Nam đã lọt vào các bảng xếp hạng các trường ĐH tốt nhất thế giới và khu vực.

Bên cạnh những thành tích đạt được, phát triển GD&ĐT nước ta trong những năm qua còn gặp không ít khó khăn, hạn chế, tồn tại. Trước những hạn chế, tồn tại về GD&ĐT, Trung ương yêu cầu đẩy nhanh đổi mới căn bản và toàn diện, nâng cao chất lượng GD&ĐT, trọng tâm là HĐH, thay đổi phương thức GD-ĐT, nhất là GD ĐH. Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: Đẩy mạnh tự chủ ĐH, có chính sách đột phá, phát triển nâng cao chất lượng GD ĐH.

“Chủ đề tọa đàm hôm nay cũng là trăn trở, là mối quan tâm của nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực GD ĐH. Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều tham luận, những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn và trực diện của các nhà khoa học, các nhà quản lý, góp phần phản ánh chân thực, khách quan về GD ĐH Việt Nam, đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị mang tầm định hướng, chiến lược, đột phá để tạo bước chuyển mạnh mẽ với GD ĐH trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” – PGS. Lê Huy Hoàng nhấn mạnh.


PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc ĐHBK Hà Nội – bày tỏ niềm vinh dự khi được đón các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục từ các cơ sở GD ĐH cả nước về dự buổi Tọa đàm tổ chức tại ĐHBK Hà Nội
Tại Tọa đàm, các nhà khoa học, quản lý giáo dục từ 2 ĐHQG, 2 ĐH vùng (ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng), các ĐH, trường ĐH công lập và trường ĐH ngoài công lập, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam… đã góp tiếng nói từ nhiều góc nhìn khác nhau, tìm giải pháp đột phá nâng cao chất lượng GD ĐH Việt Nam và các vấn đề liên quan: Tự chủ, đầu tư, hợp tác quốc tế, chuyển đổi mô hình, NCKH, trở thành ĐH đẳng cấp quốc tế…\
GS. Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng đại học, ĐHBK Hà Nội – trình bày tham luận tại Tọa đàm
Tọa đàm được thiết kế với 4 tham luận chính:
Chất lượng giáo dục đại học dưới góc nhìn quản lý kiểm định chất lượng – PGS. Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT;Chính sách đầu tư phát triển giáo dục đại học Việt Nam, thực trạng và những giải pháp đột phá – PGS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng;

Đổi mới QLNN về Giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục – TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam;

Kinh nghiệm và bài học xây dựng và phát triển mô hình đại học công lập tự chủ của Đại học Bách khoa Hà Nội – GS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội.


 Các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục trong lĩnh vực  GD ĐH đóng góp ý kiến tại Tọa đàm

 

Cùng đó, các nhà khoa học: GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội; GS. Phạm Hồng Quang, ĐH Thái Nguyên; GS.TSKH Đặng Ứng Vận, Trường ĐH Hòa Bình; GS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội; GS. Phan Bách Thắng, ĐHQG TP.HCM… đã góp ý kiến tại tọa đàm.

Các tham luận, ý kiến rất tâm huyết, tập trung, nêu nhiều sáng kiến, giải pháp đóng góp cho chiến lược phát triển để thực hiện đúng, đủ, tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, gửi tâm nguyện tới Ban Tuyên giáo Trung ương.
 

“Tọa đàm hôm nay là cơ hội để chúng ta khám phá về những chuyển động chiến lược, về sự thay đổi tích cực trong thời gian gần đây của một trong những cơ sở GD ĐH uy tín nhất Việt Nam đào tạo về khoa học, kĩ thuật và công nghệ, cơ sở GD ĐH đầu tiên của Việt Nam nâng cấp từ Trường lên Đại học theo Luật 34 sửa đổi một số điều của Luật GD ĐH, Đó là Đại học Bách khoa Hà Nội.” –  PGS. Lê Huy Hoàng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương.
Gia Hân. Ảnh: Duy Thành