Ngày 14/7/2023, tại Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra Hội thảo tổng kết “Phát triển chương trình đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2017-2023” với các nội dung tổng quan về quá trình phát triển CTĐT của Nhà trường trong giai đoạn 2017-2023. Hội thảo được kết hợp cùng chuyên đề “Kiểm định, phát triển và vận hành chương trình đào tạo định hướng CDIO”, 1 trong 6 chuyên đề của khóa học bồi dưỡng cán bộ quản lý của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Thời điểm lịch sử và 2 sự kiện đáng nhớ về phát triển CTĐT Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2017-2023
PGS. Nguyễn Phong Điền là người Bách khoa có nhiều năm trực tiếp tham gia các nhiệm vụ phát triển chương trình đào tạo (CTĐT) của Nhà trường, đặc biệt trong giai đoạn 2017 – 2023 trên cương vị Trưởng Phòng Đào tạo và nay là Phó Giám đốc đại học phụ trách lĩnh vực đào tạo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo tổng kết “Phát triển CTĐT Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2017-2023”, PGS. Nguyễn Phong Điền đã rất xúc động khi nhắc đến thời điểm lịch sử và điểm lại một vài việc Bách khoa Hà Nội đã làm liên quan đến phát triển các nội dung môn học và CTĐT.
Đó là năm 2011, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội) thực hiện thí điểm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Quyết định số 1211/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng GD&ĐT. Một trong những nội dung tự chủ là cho phép Bách khoa Hà Nội thí điểm tự chủ các nội dung chuyên môn.
Thời điểm đó, đây là một quan điểm rất mới, cho phép Bách khoa Hà Nội tự chủ mở ngành, chỉ cần báo cáo Bộ GD&ĐT. Hiệu trưởng Nhà trường được ra quyết định mở ngành và tổ chức tuyển sinh thông qua các quyết định nội bộ. Theo đó, năm 2011, Trường Đại học Bách khoa đã rà soát các CTĐT, phê duyệt khoảng 31 CTĐT đại học và khoảng 40 CTĐT thạc sỹ.
2 sự kiện PGS. Nguyễn Phong Điền nhớ nhất vào thời điểm lịch sử đó:
1. Bách khoa Hà Nội đã rất cố gắng tìm hiểu các kinh nghiệm quốc tế để thẳng thắn nhìn nhận mình đang đứng ở đâu trong việc xây dựng quan điểm, triết lý, cách thức, nội dung xây dựng CTĐT, phương pháp đào tạo và kiểm tra đánh giá người học.
Cùng đó, Bách khoa Hà Nội mạnh dạn đưa khái niệm “chuẩn đầu ra” – kết quả mong đợi từ phía người học sau khi tốt nghiệp – vào CTĐT của mình, cho dù lúc đó, khái niệm, phương thức thiết kế chuẩn đầu ra còn khá “mờ” trong bức tranh chung của giáo dục đại học Việt Nam.
2. Năm 2016, tại Hội trường C2 của Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra “Hội nghị Tổng kết đào tạo theo chương trình tiên tiến giai đoạn 2006 – 2016” do Bộ GD&ĐT tổ chức. Khi đó, chương trình tiên tiến được hiểu là nhập khẩu CTĐT về để làm, trong tâm thế và kiến thức còn hạn chế. 10 năm chương trình tiên tiến triển khai trong các trường ĐH, Bộ GD&ĐT đánh giá hoàn thành 6/7 mục tiêu đặt ra. Mục tiêu duy nhất chương trình không đạt được là trao đổi sinh viên quốc tế.
Theo PGS. Nguyễn Phong Điền, 10 năm phát triển chương trình tiên tiến đã cho Bách khoa Hà Nội một cái nhìn mới hơn về phương thức phát triển, cách thức tổ chức, vận hành CTĐT của các nước phát triển; các cán bộ, giảng viên Bách khoa được cử đi học tập, thực tập tại một số nước, giúp nâng cao nhận thức, chuyên môn, học tập kinh nghiệm, phương pháp đào tạo từ nước bạn.
Năm 2017, Bộ GD&ĐT ra Thông tư 23 về Chương trình chất lượng cao, Bách khoa Hà Nội chuyển đổi thuật ngữ Chương trình chất lượng cao thành Chương trình ELITECH (Elite Technology Program) là CTĐT có mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên cho phát triển kinh tế- xã hội, đồng thời trở thành hình mẫu trong hệ thống đào tạo của Nhà trường về nội dung, phương pháp đào tạo tiên tiến và ứng dụng công nghệ giáo dục hiện đại.
Chương trình ELITECH có tính chất đặc thù với chuẩn đầu ra cao hơn trong điều kiện CTĐT tốt hơn, bao gồm một nhóm các chương trình có bề dầy lịch sử như: Chương trình Tài năng, Chương trình Việt Pháp, Chương trình Tiên tiến.
“Từ 2017 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Phòng Đào tạo đã tổ chức một chương trình lớn thuộc Đề án phát triển CTĐT giai đoạn 2017-2025. Một loạt các khái niệm mới được đưa vào CTĐT, các thầy/cô của Bách khoa Hà Nội được tập những khái niệm rất cơ bản như thang Bloom, CDIO…
Một số thầy/cô học nước ngoài về triển khai giảng dạy CDIO cho các môn học, học phần/ đồ án môn học, đồ án tốt nghiệp… đã khá thành công, nhưng triết lý CDIO phát triển CTĐT thì khi đó mới đưa vào. Một số báo cáo viên mua sách vở, lan tỏa kiến thức, cả một chiến lược về thông tin truyền thông cho tất cả các hội đồng phát triển CTĐT. Có thể hình dung mọi thứ gần như mới bắt đầu.” – PGS. Nguyễn Phong Điền kể về giai đoạn đáng nhớ trong phát triển CTĐT tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Các cán bộ quản lý Đại học Bách khoa Hà Nội tham dự Hội thảo
Theo đánh giá của Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, cái được lớn nhất sau 6 năm phát triển CTĐT của Nhà trường là việc tất cả các đơn vị đều tích cực tham gia vào các Hội đồng Phát triển CTĐT (đặc biệt là các đơn vị tổ chức, vận hành); các CTĐT phát triển trong giai đoạn này đều được coi là những dòng sản phẩm góp phần to lớn vào sự phát triển của Bách khoa Hà Nội, nâng cao chất lượng đào tạo, chung tay tạo nên sự thành công của người học sau tốt nghiệp.
Báo cáo Tổng kết công tác xây dựng và phát triển CTĐT giai đoạn 2017-2023 của Phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy mô hình, CTĐT tích hợp tạo điều kiện cho sinh viên học liền mạch, hướng sinh viên theo các định hướng nghiên cứu và định hướng nghề nghiệp rõ ràng, phù hợp với Luật và Quy chế đào tạo hiện hành, có tính hiện đại và hội nhập quốc tế; Mục tiêu, chuẩn đẩu ra của CTĐT được xây dựng bài bản; Thời lượng, cấu trúc và nội dung khối kiến thức rõ ràng, phù hợp với việc đào tạo đảm bảo chuẩn đầu ra của CTĐT.
Cùng đó, nội dung CTĐT được thiết kế theo CDIO, phù hợp với khối ngành kỹ thuật, công nghệ; CTĐT nâng cao hoạt động trải nghiệm cho sinh viên theo định hướng nghề nghiệp; Đề cương chi tiết được thiết kế rõ ràng, có khả năng đo lường, đánh giá mức độ năng lực của sinh viên sau khi kết thúc học phần; Các CTĐT đều có sự tham khảo, đối sánh với các CTĐT tiên tiến trên thế giới.
Chuẩn đầu ra của các CTĐT được xuất phát từ yêu cầu của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng về vị trí việc làm. Từ đó xác định được người tốt nghiệp cần phải có năng lực nghề nghiệp gì để đáp ứng vị trí việc làm, thích ứng với công việc và có khả năng phát triển bản thân, tiến bộ trong công tác… Có thể hình dung mỗi ngành/mỗi nhóm ngành có những CTĐT khác nhau, mặc dù cấp bằng trong cùng một ngành nhưng là những dòng sản phẩm khác nhau với những chuẩn đầu ra khác nhau.
Về kiểm định CTĐT, từ năm 2017 đến 2023 đã có 39 CTĐT đạt chứng nhận chất lượng của các tổ chức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế như AUN-QA, CTI, ASIIN.
Đáng chú ý, với thế mạnh về kỹ thuật công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội đã phát huy đào tạo trên nền tảng số: Phát triển đào tạo B-Learning; Xây dựng nguồn học liệu số; Đổi mới phương pháp đào tạo ngoại ngữ; Thúc đẩy đào tạo trải nghiệm; Đổi mới công tác đánh giá, thi…
Theo PGS. Nguyễn Đắc Trung – Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội, trong giai đoạn 2017-2023, Đại học Bách khoa Hà Nội đã cập nhật và xây dựng mới được nhiều CTĐT. Tính đến năm 2023 có: 35 CTĐT chuẩn, trong đó có 27 CTĐT tích hợp Cử nhân – Thạc sĩ khoa học, 24 CTĐT tích hợp Cử nhân – Kỹ sư chuyên sâu đặc thù, 7 CTĐT Cử nhân; 26 CTĐT ELITECH, trong đó có 15 CTĐT tích hợp Cử nhân-Thạc sĩ, 1 CTĐT tích hợp Cử nhân – Kỹ sư chuyên sâu đặc thù, 4 CTĐT Tài năng; 4 CTĐT có chuẩn đầu ra ngoại ngữ riêng, 1 song bằng và 2 liên kết quốc tế; 18 CTĐT được xây dựng mới (6 CTĐT chuẩn, 11 CTĐT ELITECH, 1 CTĐT hợp tác với ĐH của Australia).
Đánh giá công tác phát triển chương trình đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2017-2023, PGS. Nguyễn Phong Điền nhận định Nhà trường đã có một loạt các giải pháp trong quá trình tổ chức, thực hiện các CTĐT một cách chặt chẽ. Đến nay, Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu vào cơ chế tự chủ mới theo mô hình đại học. Khi đó, với phân vai một nhóm chuyên thiết kế là các Hội đồng phát triển CTĐT, một nhóm chuyên vận hành là các Giám đốc CTĐT, cải tiến liên tục các hệ thống, “áp” hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ, CTĐT sẽ ngày càng có giá trị.
Việc bắt đầu phân hóa về nội dung đào tạo tác động rất lớn đến nội dung các thầy/cô sẽ tiếp tục giai đoạn 2 phát triển CTĐT, đó là xác định lại chuẩn đầu ra theo hướng chuẩn hóa quốc tế, đồng thời khắc phục một số điểm trong quá trình triển khai CTĐT; nội dung đào tạo phải gắn liền với phương thức tổ chức đào tạo và giảng dạy, phương thức kiểm tra, đánh giá người học một cách toàn diện và thực chất, trong đó, lấy nền tảng số làm căn bản và giải pháp.
Trân trọng gửi lời cảm ơn các thầy/cô tham gia Hội đồng phát triển CTĐT đã hoàn thành tốt công việc, truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo tiếp tục chu trình phát triển CTĐT giai đoạn 2023 – 2029, 2030, tạo tiền đề để có một bước tiến mới, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ hy vọng Nhà trường tiếp tục có bước nhảy vọt mới, giúp cho Bách khoa thực hiện vai trò tiên phong và vị trí trên bản đồ giáo dục đại học châu Á.
“Trên nền tảng chuyển đổi số – thế mạnh của Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi đề nghị mỗi giảng viên/cán bộ quản lý, luôn đưa tinh thần phát triển nội dung môn học và đổi mới phương pháp vào các công việc thường xuyên của mình, của các nhóm chuyên môn, của các đơn vị, của các khoa, các trường.” – PGS. Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh.
NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN THỰC HIỆN ĐẾN 2025
1/ Rà soát chuẩn đầu ra để phù hợp với mục tiêu đào tạo, định hướng đúng nhu cầu của thị trường lao động;
2/ Tiếp tục đổi mới công tác thực hành thí nghiệm, 100% các bài thực hành thí nghiệm được chuẩn hoá. Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy của các học phần cơ bản; 3/ Thúc đẩy công tác đào tạo trải nghiệm, đặc biệt là học kỳ doanh nghiệp trong CTĐT kỹ sư; 4/ Gia tăng học liệu số phục vụ học tập cho sinh viên và bài giảng B-Learning với mục tiêu tăng 20%/năm; 5/ Các đơn vị cần thực hiện khảo sát, lấy ý kiến của các đơn vị liên quan, lập báo cáo tự đánh giá, từ đó cập nhật CTĐT và đổi mới nội dung của các học phần; 6/ Cập nhật, đổi mới CTĐT của các chương trình có chuẩn ngoại ngữ riêng, hợp tác, liên kết quốc tế; 7/ Các học phần trong CTĐT cần xây dựng ngân hàng câu hỏi, thực hiện kiểm tra đánh giá mức độ tiến bộ của sinh viên trong cả học kỳ, đánh giá giữa kỳ và thi cuối kỳ trên nền tảng số; 8/ Thúc đẩy đào tạo tiếng Anh trên nền tảng số. Gia tăng số lượng các học phần được giảng dạy bằng tiếng Anh. Các học phần đều có bài giảng slide bằng tiếng Anh để cung cấp cho sinh viên, thúc đẩy đào tạo tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên; 9/ Đại học cần thành lập ban hỗ trợ, tư vấn nghiệp vụ sư phạm và đổi mới phương pháp giảng dạy cho các giảng viên, cán bộ hướng dẫn thực hành, thí nghiệm. |